Ông Jonas Eichhorst - Thành viên HĐQT, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Tài chính, ngân hàng số Timo (Ảnh: Nguồn Timo)
1. Nhận định về xu hướng thanh toán hiện nay và cơ hội cho DN fintech?
Đại dịch Covid đã làm thay đổi thói quen thanh toán của người dân, khi mà chúng ta buộc phải tương tác và giao dịch toàn bộ thông qua hình thức gián tiếp, làm gia tăng lượng giao dịch trực tuyến và thanh toán điện tử một cách đáng kể. Việc hạn chế tiếp xúc khi đại dịch diễn ra đã thúc đẩy người tiêu dùng thích ứng nhanh hơn với các sàn thương mại điện tử, mua sắm online, cùng các hình thức thanh toán không tiền mặt. Xu hướng chuyển đổi này vẫn sẽ tiếp tục duy trì và tăng mạnh ngay cả khi đại dịch kết thúc. Có thể nói, thị trường hiện đang mở ra cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp Fintech, trong đó có các ngân hàng số như Timo, để có thể tăng tốc phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.
2. Hậu Covid đem lại cơ hội bùng nổ ra sao cho ngành fintech và Timo nói riêng: Chia sẻ một vài con số về tăng trưởng, doanh số,…cụ thể để hình dung?
Đại dịch COVID-19 đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số toàn cầu lên 3 - 5 năm, khiến hậu COVID trở thành thời kỳ bùng nổ cho ngành Fintech. Khi đại dịch COVID-19 kết thúc, nhiều người dân đã bắt đầu thích ứng với các xu hướng đang nổi lên của nền kinh tế kỹ thuật số và thanh toán kỹ thuật số. Theo các chuyên gia, thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam có nhiều lợi thế như cơ cấu dân số trẻ kết hợp với nền kinh tế và tầng lớp trung lưu tăng trưởng nhanh. Do đó, thị trường này sẽ có những bước phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Cạnh tranh giữa các công ty fintech sẽ gay gắt hơn, nhưng mặt khác vẫn được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích và giá trị hơn cho người dùng.
Theo một cuộc khảo sát gần đây được thực hiện bởi “gã khổng lồ” thanh toán kỹ thuật số VISA, 65% người Việt Nam đang mang ít tiền mặt hơn trong ví và 1/3 nói rằng họ sẽ ngừng sử dụng tiền mặt sau đại dịch. Gần 76% người tiêu dùng hiện nay sử dụng ví di động và thậm chí nhiều hơn (82%) sử dụng thẻ. VISA cũng chỉ ra rằng mua sắm trực tuyến và các lựa chọn thay thế tiền mặt đều có khả năng tiếp tục duy trì sau đại dịch. Hai phần ba người Việt Nam đã thử mua sắm trực tuyến trong thời kỳ đại dịch và một nửa trong số họ mua hàng lần đầu qua mạng xã hội. 9 trong số 10 người tiêu dùng hiện đang sử dụng dịch vụ giao hàng tận nhà và hầu như tất cả họ hiện sử dụng dịch vụ này thường xuyên hơn so với trước khi xảy ra đại dịch.
Nhu cầu của khách hàng ngày một đa dạng và cập nhật thay đổi liên tục, đòi hỏi các ngân hàng và tổ chức tài chính phải nỗ lực để theo kịp xu thế. Dịch vụ ngân hàng không tốn phí của các ngân hàng số, trong đó Timo là cái tên tiên phong, sẽ giúp khách hàng giảm bớt rào cản thông qua việc đơn giản hóa các thủ tục giao dịch, kết nối và liên kết các phương thức thanh toán một cách tiện lợi và quản lý các giao dịch nhanh chóng hơn. Bên cạnh đó, ngân hàng số Timo luôn tập trung vào việc nâng cao chất lượng dịch vụ và sự hài lòng của khách hàng, hướng đến nhiều khách hơn có thể thực hiện các giao dịch tiện lợi thông qua ứng dụng của Timo.
3. So với khu vực, fintech tại Việt Nam có những lợi thế tiềm năng gì hơn?
Việt Nam hiện tại đang có các yếu tố nền tảng tạo điều kiện cho fintech phát triển như dân số trẻ năng động và có kiến thức am hiểu về công nghệ, cũng như cơ chế kinh tế khá cởi mở trong những năm qua giúp Việt Nam được đánh giá là “miền đất hứa” phát triển ngân hàng số. Tôi cho rằng lĩnh vực tài chính – ngân hàng số tại Việt Nam sẽ còn có nhiều cơ hội phát triển trong thời gian tới bởi vẫn còn rất nhiều người Việt Nam hiện vẫn chưa có tài khoản ngân hàng, và nếu chúng ta có thể tiếp cận được tập khách hàng chưa có tài khoản ngân hàng này hoặc nâng cấp dịch vụ trải nghiệm theo hướng cá nhân hóa tạo ra sự mới mẻ và đột phá thì thị trường Việt Nam đương nhiên sẽ vẫn còn rất nhiều tiềm năng.
So với một số quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới, Việt Nam được xem là quốc gia còn non trẻ trong lĩnh vực Fintech. Xét riêng về khu vực, so với những thị trường được cho là đã "chín" như Trung Quốc hay Ấn Độ, các nước thuộc Đông Nam Á dự báo còn nhiều tiềm năng hơn để Fintech xâm nhập và khai thác. Với vị thế là người xuất phát chậm hơn, Việt Nam lại có cơ hội được học hỏi từ các quốc gia đi trước, lĩnh hội các bài học và sự phát triển của công nghệ. Với việc fintech hiện tại đang bắt đầu bùng nổ tại Việt Nam, việc tận dụng được những tiến bộ của thế giới về công nghệ có thể thúc đẩy quá trình chuyển đổi và số hóa của các doanh nghiệp tại Việt Nam diễn ra nhanh chóng hơn bao giờ hết.
4. Và thử thách cho ngành fintech hiện nay?
Nhận thấy tiềm năng rộng mở cho thị trường Fintech tại Việt Nam, ngày càng có nhiều đối thủ và nhiều tên tuổi lớn trong lĩnh vực ngân hàng số đã và đang tạo ra cuộc cạnh tranh vô cùng gay gắt trong hệ sinh thái số. Ngoài ra, công nghệ nói chung hay công nghệ tài chính nói riêng là ngành đòi hỏi sự nghiên cứu, nâng cấp và cải tiến liên tục, nếu không các tính năng và sản phẩm có thể bị lỗi thời và bị thay thế. Chính vì vậy mà khả năng tạo ra những đột phá về mặt công nghệ luôn là yếu tố cực kỳ quan trọng. Bên cạnh việc đưa ra những sản phẩm dịch vụ tài chính hoàn hảo và cập nhật, chúng ta còn phải thật sự am hiểu thị trường, nhu cầu mong đợi của khách hàng và quan trọng hơn hết là xác định được những vấn đề và khó khăn mà họ đang gặp phải mỗi ngày. Từ đó các ngân hàng số có thể đưa ra những sản phẩm mang lại giải pháp hỗ trợ cuộc sống của khách hàng ngày một dễ dàng và tiện lợi hơn.
5. Riêng về hành lang pháp lý, ông/bà có kiến nghị gì để fintech phát triển đúng với tiềm năng?
So với các quốc gia khác trong khu vực, thị trường Fintech ở Việt Nam vẫn còn khá mới, một số vấn đề về chính sách của Việt Nam sẽ cần được hoàn thiện và bổ sung trong thời gian tới. Là một doanh nghiệp đã hoạt động tại thị trường Việt Nam được 7 năm, Timo nhìn thấy được những chuyển biến rất tích cực từ các chính sách của Chính phủ, hỗ trợ và tạo điều kiện ngày một cởi mở và thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp Fintech có thể hoạt động và phát triển mạnh hơn nữa tại Việt Nam.
6. Về tính cạnh tranh, sự khốc liệt của thị trường này dưới góc nhìn của Timo?
Cùng với tiềm năng rộng mở và sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa ngân hàng số và ngân hàng truyền thống, trong tương lại, Timo sẽ không chỉ phải cạnh tranh với các ngân hàng số mà còn mở rộng ra với các ngân hàng truyền thống lớn khi các ngân hàng này cũng đang bắt đầu đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Chính vì vậy mà Timo sẽ phải nỗ lực và cố gắng hơn nữa với các chiến lược đề ra để có thể phát triển nhanh chóng hơn, dựa trên giá trị cốt lõi của mình để có thể chiến thắng trên thị trường cạnh tranh đầy khốc liệt này.
7. Các DN có xu hướng hợp tác cộng sinh, Timo có thể chia sẻ thêm về chiến lược hợp tác để nâng vị thể của mình?
Timo tin rằng một mạng lưới đối tác dồi dào sẽ cho phép các công ty fintech, trong đó có ngân hàng số phát triển nhanh chóng và tương tác đa chiều hơn với tệp khách hàng am hiểu công nghệ. Một hệ sinh thái số lớn mạnh với những mối quan hệ đối tác bền chặt sẽ nâng cao giá trị mà chúng tôi mang đến cho khách hàng, đồng thời, thúc đẩy sự phát triển và lan rộng tính ứng dụng của các dịch vụ mà Timo cung cấp. Đây là mối quan hệ hợp tác đôi bên cùng có lợi với tư duy “Một cộng một lớn hơn hai”.
Với chiến lược phát triển lâu dài và bền vững, Timo đang tập trung mở rộng hệ sinh thái đối tác, cả trong lĩnh vực tài chính và phi tài chính nhằm tăng cường sự kết nối với khách hàng ở mọi “điểm chạm”. Bằng chiến lược “đứng trên vai người khổng lồ”, hợp tác với nhiều đối tác tên tuổi như NAPAS, 7-Eleven, McDonald’s, VinaCapital... đã giúp Timo tiếp cận được tập khách hàng đa dạng và tiềm năng, cũng như giúp Timo có thể nhanh chóng “phủ sóng”, tăng độ nhận diện thương hiệu của mình một cách hiệu quả và nhanh chóng.
Xuất phát là một ngân hàng số tiên phong tại Việt Nam, Covid-19 đã giúp chúng tôi định hướng trở thành ngân hàng kết nối cộng đồng và phát triển bền vững. Sau thành công với những đối tác lớn, thể hiện rõ cam kết với mỗi cộng đồng mà Timo đã “tap-in”, Timo đã và đang trở thành một người bạn, một người cộng sự ăn ý, thấu hiểu từ đó mang lại những trải nghiệm mang giá trị “tinh thần, cảm xúc” mà chúng tôi tin rằng chưa ngân hàng nào làm được.
Những thành công và dư âm của SEA Games 31 với Đội tuyển Quốc gia Nam và Nữ tại “chảo lửa” Thanh Trì đã khiến chúng tôi cân nhắc và lựa chọn bóng rổ là cộng đồng tiếp theo mà Timo muốn chinh phục, hơn thế là xây dựng và trở thành một phần trong hành trình làm nên lịch sử của bóng rổ Việt Nam.
Hoài Thanh
Link nội dung: https://ketnoidautu.net/65-nguoi-viet-nam-dang-mang-it-tien-mat-hon-trong-vi-a13675.html