Công ty niêm yết sở hữu gia đình - Mối nguy nội chiến nảy sinh từ lối quản lý “gia đình trị”

Huy Hoàng

07/02/2024 17:01

Giai đoạn 2015 - 2016, Lotte xảy ra tranh chấp gia tộc do bê bối thiếu minh bạch trong việc chuyển giao quyền sở hữu công ty. Đây cũng là hồi chuông cảnh báo về nguy cơ nội chiến trong các Công ty niêm yết sở hữu gia đình và tính minh bạch trong quản trị doanh nghiệp.

Những thách thức của quản trị theo "gia đình trị"

Theo VCCI, tại Việt Nam, top 100 doanh nghiệp gia đình lớn nhất đóng góp tới 25% GDP cả  nước, các công ty này được coi là xương sống của nền kinh tế. Việc nhập nhằng giữa công - tư, thiếu minh bạch trong quản trị và quyền sở hữu khiến “khung xương” đó trở nên lỏng lẻo, để lại hậu quả khó lường và không còn đủ sức chống đỡ cũng như đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế chung.

Một trong những hậu quả lớn của “gia đình trị” đối với công ty niêm yết sở hữu gia đình là rủi ro tài chính khi thiếu sự minh bạch, lạm dụng dòng tiền hoặc sử dụng tài sản công ty cho lợi ích cá nhân. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn phải đối mặt với xung đột lợi ích chung - riêng khi các quyết định kinh doanh được đưa ra dựa trên lợi ích cá nhân thay vì lợi ích doanh nghiệp, dựa trên mối quan hệ thân tình thay vì dữ liệu và phân tích kinh doanh.

picture1-1707299975.png

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gặp mặt Đoàn Đại biểu Doanh nghiệp gia đình tiêu biểu cả nước. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Theo Khảo sát Doanh nghiệp gia đình năm 2023 của PwC, sự tin tưởng của khách hàng, nhà đầu tư, nhân sự là động lực để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển. Theo đó, khi xảy ra sự mập mờ trong quản trị, quản lý tài sản và thiếu nguyên tắc hoạt động, công ty niêm yết sở hữu gia đình sẽ vô tình tạo ra “khoảng cách niềm tin” và đánh mất sự tín nhiệm từ các nhân tố trên. Điều này cũng khiến công ty khó khăn trong huy động vốn, dễ đánh mất vị thế, năng lực cạnh tranh trên thị trường.

Chiến lược kinh doanh và quản lý không rõ ràng cũng là một nguyên nhân lớn khiến nhân sự mất động lực, ngại cống hiến cho sự phát triển của doanh nghiệp. Cũng trong khảo sát trên của PwC, 64% số người tham gia khảo sát nói rằng xung đột gia đình trong doanh nghiệp thường xảy ra khi quan ngại với việc các thành viên trong gia đình không tin tưởng lẫn nhau sẽ dễ nảy sinh mâu thuẫn, thiếu gắn kết và có thể dẫn đến thất bại trong kinh doanh. Việc thiếu minh bạch thông tin, quản lý và chuyển giao quyền, nghĩa vụ là ngòi nổ thổi bùng cuộc nội chiến trong các công ty niêm yết sở hữu gia đình.

Trước những nguy cơ kể trên, các gia đình niêm yết sở hữu bởi gia đình cần minh bạch hoá trong quản trị để tránh những nguy cơ có thể xảy ra.

Nội chiến trong các gia tộc kinh doanh trên thế giới – Cái kết chưa bao giờ đẹp

Tại các công ty đại chúng sở hữu gia đình hàng đầu thế giới, sự thiếu minh bạch trong quản trị doanh nghiệp không chỉ là một hiện thực, mà đây còn là nguồn cơn dẫn đến hàng loạt mâu thuẫn và xung đột không thể lường trước.

Trong cuộc nội chiến của Tập đoàn Lotte, việc thiếu minh bạch về sự chuyển giao quyền lực đã tạo ra những rạn nứt đáng kể. Năm 2015, ông Shin Kyuk Ho - người sáng lập “đế chế” Lotte - muốn truyền lại tập đoàn cho người con cả của mình, Shin Dong Joo. Điều này đã vấp phải sự phản đối của con thứ Shin Dong Bin và phe cánh ủng hộ. Ngay sau đó, Lotte "đổi ngôi" khi Chủ tịch vẫn còn sống.

2-1707300005.png

Vụ việc này đang làm dấy lên nhiều lo ngại của công chúng với về sự minh bạch chuyển quyền sở hữu của Lotte. Ông Lee Ji-soo, chuyên gia luật thuộc tập đoàn khi đó cho biết: “Hoạt động kinh doanh chủ yếu của Lotte là bán lẻ và do đó có thể bị ảnh hưởng do mất uy tín với công chúng”.

Chưa hết, ngay trong năm đó, chính phủ Hàn Quốc đã quyết định điều tra cấu trúc sở hữu chéo, đồng thời dừng cấp phép hoạt động các cửa hàng miễn thuế của Lotte như một động thái trừng phạt.

Có thể nói rằng, sự thiếu minh bạch trong việc chuyển giao quyền sở hữu, hay quản lý tài sản đều sẽ khiến doanh nghiệp chịu tổn thất nặng nề. Vì thế, các công ty niêm yết sở hữu gia đình cần làm rõ quy trình, thủ tục và minh bạch hoá trong quản lý để không phải lâm vào nguy cơ nội chiến khiến doanh nghiệp lao dốc.

Ngăn chặn nguy cơ nội chiến trong các doanh nghiệp niêm yết sở hữu gia đình tại Việt Nam

Hiện nay, các doanh nghiệp niêm yết thuộc sở hữu gia đình đóng góp vai trò tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế của Việt Nam cũng như toàn cầu hoá. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn không tránh khỏi những nguy cơ tiềm ẩn từ những cuộc nội chiến khi có mâu thuẫn về lợi ích. Trước những nguy cơ xảy ra nội chiến, các công ty niêm yết thuộc sở hữu gia đình nên đi trước một bước.

Trích trong Bộ Nguyên tắc Quản trị Công ty theo Thông lệ tốt nhất do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) công bố: “Khuôn khổ quản trị công ty phải đảm bảo việc công bố thông tin kịp thời và chính xác về mọi vấn đề trọng yếu liên quan đến công ty, bao gồm tình hình tài chính, cấu trúc quản trị, tình hình hoạt động, và sở hữu công ty.”

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã nêu rõ quan điểm “Cần thực hiện mọi biện pháp cần thiết để ổn định và phát triển thị trường công khai, minh bạch, an toàn, lành mạnh, bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, mang lại hạnh phúc, ấm no cho nhân dân.” tại Hội nghị “Phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế” diễn ra ngày 22/04/2022.

Để phát triển bền vững và lâu dài, các gia tộc sở hữu doanh nghiệp niêm yết nên minh bạch hoá mọi quy trình quản lý, phân biệt rõ ràng giữa gia đình và công ty, tình thân và lý trí nhằm tạo nền móng vững chắc cho sự phát triển chung của tổ chức và xã hội.  

Thùy Linh

Bạn đang đọc bài viết "Công ty niêm yết sở hữu gia đình - Mối nguy nội chiến nảy sinh từ lối quản lý “gia đình trị”" tại chuyên mục Doanh nghiệp - Doanh nhân. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về email [email protected]