Công nghiệp 4.0, chiến lược triển khai và ứng dụng trong Ngành Công nghiệp Sữa

Huy Hoàng

03/06/2022 16:19

Sữa và các sản phẩm từ sữa là những thực phẩm quan trọng cung cấp dưỡng chất thiết yếu cho sự phát triển của con người; Ngành sữa đã và đang đóng góp tích cực vào nền kinh tế của đất nước với mức tăng trưởng nhanh chóng. Trong hai năm 2020 - 2021, mặc dù khó khăn vì dịch bệnh doanh thu thị trường sữa Việt Nam năm 2020 ước tính đạt 113.700 tỷ đồng và năm 2021 ước đạt 119.300 tỷ đồng. Tăng trưởng doanh thu ngành sữa chủ yếu nhờ vào 2 mảng chính là sữa bột và sữa nước.

Hàng năm, sản lượng sữa luôn được duy trì đà tăng trưởng: theo Tổng cục Thống kê, sản lượng sữa nước của cả nước năm 2021 ước đạt 1.770,1 triệu lít, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2020. Ngành sữa Việt Nam đang từng bước phát triển bền vững, theo hướng hiện đại, đồng bộ từ sản xuất nguyên liệu đến thành phẩm, có khả năng cạnh tranh để chủ động hội nhập với khu vực và thế giới, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao của xã hội. 

Trong khôn khổ Triển lãm Quốc tế ngành Sữa và sản phẩm Sữa lần thứ III tại Việt Nam - VIETNAM DAIRY 2022” được tổ chức từ 14h00 ngày 31/5 đến 12h00 ngày 4/6/2022 tại Cung Văn hóa Hữu Nghị - 91 Trần Hưng Đạo, Hà Nội, Hiệp Hội sữa Việt Nam, Công ty CP Hội chợ Triển lãm và Quảng cáo Việt Nam - VIETFAIR và các đơn vị Hội mã số mã mạch Việt Nam, Ecosmart, Vinasoy phối hợp tổ chức Hội thảo “Chuyển đổi số Công nghiệp 4.0 - Chiến lược triển khai và ứng dụng trong Ngành Công nghiệp Sữa”

1-1654247689.jpg

Ông Trần Quang Trung chủ tịch Hiệp hội sữa Việt Nam phát biểu tại Hội thảo: Thời gian qua, Việt Nam đã có những thành tựu tích cực trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nói chung để phát triển sản xuất thông minh đặc biệt là ứng dụng trong ngành sữa. Tuy nhiên chuyển đổi số và phát triển sản xuất thông minh là một hành trình dài, cần có cách tiếp cận chiến lược, khoa học, bài bản với bước đi hết sức cụ thể và nhanh chóng mà phải triển khai ngay từ thời điểm này.

Ông Trung nhân định: Tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển đổi số và phát triển sản xuất thông minh là xu thế tất yếu, thực tế cho thấy phát triển sản xuất thông minh trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sẽ phải đối diện với nhiều khó khăn và thách thức; tuy nhiên ông tin tưởng với sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng doanh nghiệp, các ban ngành hữu quan… Doanh nghiệp ngành Sữa Việt Nam sẽ tận dụng được tối đa các cơ hội từ CMCN4.0, nâng cao vị thế doanh nghiệp Việt.

Tại Hội thảo, Ông Phó Đức Sơn - Chủ tịch Hội Mã Số mã vạch Việt Nam chia sẻ tầm quan trọng của mã số mã mạch với các doanh nghiệp trong tiến trình tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu; áp dụng mã số mã vạch sẽ giúp quá trình ghi chép thu thập nhanh chóng, chính xác, chi phí thấp giúp trao đổi thông tin giữa các bên thuận tiện, chính xác giúp thông tin sản phẩm được thông suốt với.

Ông Phó Đức Sơn cho biết, Ứng dụng Mã số mã vạch trong chuỗi cung ứng, để phân định đơn nhất các bên sử dụng mã địa điểm GLN, để phân định đơn nhất vật phẩm các doanh nghiệp sử dụng mã toàn cầu phân định thương phẩm GTIN, để phân định đơn nhất các đơn vị vận chuyển logistic, áp dụng mã công ten nơ vận chuyển theo xê-ri SSCC và mã hóa các loại mã số trên vào mã vạch hoặc thẻ tần số song radio…

Ông Trần Phương Sơn, đại diện Eco Smart trao đổi về các giải pháp quy trình công nghiệp về thiết kế, quy trình sản xuất, cung cấp chìa khóa trao tay và số hóa & nâng cấp tự động hóa sản xuất cho năng suất và hiệu quả của quy trình. Giải pháp chuyển đổi số CN4.0 (Modular) giúp hình thành não bộ trung tâm doanh nghiệp tích hợp hệ thống và quản lý dữ liệu theo thời gian thực nhằm hỗ trợ liên tục để cải thiện năng suất và hiệu quả để tăng lợi nhuận của doanh nghiệp và tính cạnh tranh.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN4.0) với nhiều chuyển biến liên tục đã tạo ra một tiền đề quan trọng cũng như bước đột phá lớn trong tư duy và thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển từ phụ thuộc vào nguồn lực bên ngoài sang chủ động phát triển nội lực bên trong, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, vươn lên làm chủ công nghệ và chuyển đổi mạnh mẽ sang nền kinh tế số với trọng tâm là quá trình chuyển đổi số và phát triển sản xuất thông minh. 

Kết thúc Hội thảo, Ông Trần Quang Trung chủ tịch Hiệp hội sữa Việt Nam tin tưởng: Với mục đích đồng hành ngành sữa Việt Nam hội nhập và phát triển bền vững, “Triển lãm Quốc tế ngành Sữa và Sản phẩm Sữa” và các chương trình Hội nghị, Hội thảo chuyên ngành là hoạt động xúc tiến thương mại quan trọng, làm cầu nối cho các doanh nghiệp trong nước và quốc tế gặp gỡ, trao đổi, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường, tăng cường khả năng hợp tác đầu tư, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp ngành Sữa Việt Nam.

2-1654247727.jpg
3-1654247755.jpg
4-1654247780.jpg
5-1654247802.jpg
6-1654247834.jpg
7-1654247855.jpg
8-1654247877.jpg

 

 

Hoàng Anh

Bạn đang đọc bài viết "Công nghiệp 4.0, chiến lược triển khai và ứng dụng trong Ngành Công nghiệp Sữa" tại chuyên mục Công nghệ - Xe. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về email [email protected]